Làm việc tại Nhật
Các quy định khi làm việc tại Nhật Bản
Nội quy lao động
Mỗi công ty thường đặt ra những quy định riêng dành cho nhân viên của mình, được gọi là “Nội quy lao động”. Theo quy định, đối với công ty có từ 10 nhân viên trở lên đều phải có Nội quy lao động và tất cả nhân viên đều được biết các nội quy này.
Hình thức trả lương
- Trả trực tiếp bằng tiền mặt (Có thể chuyển khoản qua ngân hàng)
- Công ty thanh toán thuế và bảo hiểm xã hội của nhân viên bằng cách trừ từ tiền lương.
- Tiền lương được trả ít nhất 1 lần mỗi tháng vào một ngày cố định
Bảng lương chi tiết
Nhận từ công ty vào ngày nhận lương.
Trên bảng lương ghi rõ các thông tin như tiền lương, phụ cấp, thuế khấu trừ, bảo hiểm xã hội, …
Phụ cấp nghỉ phép
Công ty có trách nhiệm chi trả ít nhất 60% tiền lương trong trường hợp bạn xin nghỉ phép.
Thời gian làm việc và nghỉ giải lao
Thời gian làm việc
Không quá 8 tiếng/ngày (có thể khác nhau tùy vào cách làm việc hay thay ca)
Không quá 40 tiếng/tuần
Thời gian giải lao
Tối thiểu 45 phút đối với người có thời gian làm việc hơn 6 tiếng/ngày
Tối thiểu 60 phút đối với người có thời gian làm việc hơn 8 tiếng/ngày
Ngày nghỉ
Tối thiểu 1 ngày/tuần hoặc 4 ngày/4 tuần.
Nghỉ phép có lương hàng năm
Nghỉ phép có lương hàng năm là kỳ nghỉ mà người lao động vẫn được trả lương mặc dù không làm việc vào những ngày đó. Người lao động đã làm việc liên tục trong 6 tháng và đi làm ít nhất 80% tổng số ngày làm việc sẽ được hưởng chế độ này. Ngoài ra, những lao động như nhân viên phái cử và bán thời gian,… mặc dù có hình thức lao động khác với nhân viên chính thức, nhưng được phép dùng số ngày nghỉ như nhân viên chính thức.
Làm thêm giờ và tăng ca vào các ngày nghỉ
Giờ làm việc theo quy định của pháp luật
- Không được quá 8 tiếng/ngày và 40 tiếng/tuần
- Được nghỉ ít nhất 1 ngày/tuần hoặc 4 ngày/4 tuần
Làm việc lâu hơn số giờ làm việc theo quy định của pháp luật được gọi là “làm thêm giờ”.
Quy định về làm thêm giờ: Không quá 45 tiếng/tháng và 360 tiếng/năm
Khi lượng công việc quá nhiều, được phép làm thêm giờ ngoài quy định này. Chi tiết vui lòng liên hệ Cục lao động để được giải đáp.
Khi làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ca đêm, mức lương sẽ cao hơn.
① Nếu làm việc hơn 8 tiếng/ngày hoặc 40 tiếng/tuần, mức lương sẽ gấp 1,25 lần hoặc hơn.
② Tại các công ty lớn (tất cả các công ty từ ngày 1 tháng 4 năm 2023), mức lương khi làm việc trên 60 tiếng/tháng là gấp 1,5 lần trở lên.
③ Mức lương khi làm việc vào ngày nghỉ gấp 1,35 lần trở lên.
④ Mức lương khi làm việc từ 22h đến 5h gấp 1,25 lần trở lên.
Làm thêm lúc nửa đêm (① + ④) mức lương gấp 1,5 lần trở lên.
Quy định về giới hạn làm thêm giờ – Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (tiếng Nhật)
Nghỉ phép đặc biệt
Nghỉ trước khi sinh và sau khi sinh
Nhân viên nữ có thể nghỉ trước khi sinh với điều kiện thông báo với công ty về ngày nghỉ trước 6 tuần khi em bé chào đời (trước 14 tuần khi sinh đôi trở lên). Thời gian nghỉ sau sinh là 8 tuần.
Trong thời gian nghỉ sẽ được nhận “trợ cấp sinh đẻ” từ bảo hiểm y tế.
Nghỉ chăm sóc con
Các bố, mẹ làm tại công ty có thể xin nghỉ với lý do chăm sóc con nhỏ.
Thời gian nghỉ tối đa là tới khi trẻ được 1 tuổi.
Trong thời gian nghỉ sẽ được nhận “Tiền hỗ trợ nghỉ chăm sóc con” từ bảo hiểm lao động.
Nghỉ chăm bệnh
“Nghỉ chăm bệnh” là gì?
Việc nghỉ làm với lý do cần chăm sóc người thân gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày do tuổi già, bệnh tật được gọi là nghỉ chăm bệnh.
Trường hợp có người nhà cần chăm sóc dài hạn, bạn có thể nghỉ làm để chăm sóc trong thời gian không quá 93 ngày. Thời gian nghỉ chăm bệnh có thể được chia nhỏ tối đa thành 3 lần nghỉ.
Khi nghỉ việc để chăm bệnh, bạn sẽ nhận “Tiền hỗ trợ nghỉ chăm bệnh” từ bảo hiểm lao động. (Không quá 67% lương)
Chế độ nghỉ phép chăm bệnh – Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (Tiếng Nhật)
Nghỉ việc, kết thúc công việc
Tự nghỉ việc
Trường hợp không có quy định cụ thể về thời gian tuyển dụng
Thông báo nghỉ việc với công ty theo quy định tại “Nội quy lao động” (hoặc trước hai tuần đối với trường hợp không có “Nội quy lao động”).
Trường hợp có quy định cụ thể về thời gian tuyển dụng
Người lao động không thể tự nghỉ việc khi đang trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Nếu có lý do đặc biệt, hãy trao đổi với công ty.
Đơn vị tuyển dụng không được phép cho bạn nghỉ việc mà không có lý do
Sa thải
Các trường hợp được gọi là “Sa thải” là khi công ty đơn phương yêu cầu người lạo động “nghỉ việc”.
Công ty không thể sa thải người lao động mà không có lý do rõ ràng.
Trường hợp muốn sa thải một nhân viên nào đó, công ty có nghĩa vụ phải báo cho người lao động biết ít nhất 30 ngày trước khi cho thôi việc. Trường hợp từ khi thông báo đến khi cho thôi việc không đủ 30 ngày, công ty sẽ phải trả phần lương của số ngày thiếu trong 30 ngày đó. (lương trả được tính theo bình quân những ngày thiếu)
Kết thúc hợp đồng lao động
Việc công ty không tái ký hợp đồng mới sau khi hợp đồng cũ kết thúc được gọi là “Kết thúc hợp đồng lao động”.
Đối với các trường hợp người lao động làm việc với thời gian hơn 1 năm, và đã tái ký hợp động từ 3 lần trở lên. Khi hết hạn hợp đồng và không tái ký, công ty có nghĩa vụ phải báo cho người lao động biết trước 30 ngày về việc không tái ký hợp đồng.
Người lao động tiếp tục làm việc ở chỗ cũ sau khi hết hợp đồng sẽ ký hợp đồng mới. Công ty không thể ngừng tái ký hợp đồng đối với người đã nhiều lần ký hợp đồng mới và tiếp tục làm việc cho công ty mà không có lý do chính đáng.
Công ty yêu cầu nghỉ việc
Ngay cả khi bạn được công ty nói, “Đây không phải là yêu cầu, nhưng công ty muốn bạn nghỉ việc”, người lao động có quyền quyết định nghỉ việc hay không. Nếu không muốn nghỉ việc, bạn hãy nói rõ ràng với công ty rằng bạn sẽ không nghỉ việc.
Công ty phá sản
Nếu người lao động đi làm nhưng không được nhận lương vì công ty phá sản, trước tiên hãy trao đổi với “Góc tư vấn cho người lao động nước ngoài” của Cục lao động.
Chính phủ có thể sẽ trả một phần tiền lương thay cho công ty.